Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Vĩnh Phúc, thị xã Phúc Yên có diện tích hơn 12 nghìn héc-ta, dân số hơn 15,5 vạn người, với vị trí địa lý: liền kề thủ đô Hà Nội, giáp sân bay quốc tế Nội Bài; có hệ thống giao thông thuận tiện gồm các tuyến đường QL2, QL23, đường sắt và đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai,.v...v..
Từ khi được thành lập đến nay, thị xã Phúc Yên đã có nhiều lần chia tách, tái lập và chuyển cấp đơn vị hành chính. Trong suốt chặng đường ấy, với vùng đất có bề dày lịch sử và văn hoá lâu đời, nhân dân thị xã Phúc Yên có truyền thống yêu nước trong đấu tranh cách mạng; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; cùng với cả nước vượt qua mọi khó khăn trong các thời kỳ đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới, phát triển đất nước, xây dựng quê hương.
Với vị trí, tiềm năng và truyền thống ấy, thị xã Phúc Yên đã được tỉnh Vĩnh Phúc xác định là trung tâm kinh tế, du lịch, dịch vụ trọng điểm của tỉnh. Trong những năm qua, Phúc Yên đã trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có những tập đoàn kinh tế nổi tiếng hàng đầu thế giới như Toyota, Honda,... Nhiều khu đô thị mới, khu du lịch - nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại được hình thành như: Khu đô thị Đồng Sơn, Khu đô thị Xuân Hòa, Khu đô thị Hùng Vương - Tiền Châu, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao Flamingo Đại Lải; Trung tâm thương mại Phúc Yên Plaza, trung tâm thương mại Đồng Sơn, v...v...
Nhiều năm qua, Phúc Yên luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm của thị xã chiếm trên 80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, đóng góp quan trọng trong tổng thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc.
Thu ngân sách trên địa bàn năm 2016 là 22.799 tỷ đồng, vượt so với chỉ tiêu quy định; chi ngân sách là 536,585 tỷ đồng; trong đó ngân sách chi đầu tư phát triển là 198,3 tỷ đồng.
Thu nhập bình quân đầu người của thị xã đạt 75,2 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,55 lần bình quân cả nước (cả nước năm 2016 là 48,6 triệu đồng/người/năm), vượt so với quy định (từ 1,05 trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3 năm (2014-2016) của thị xã: 2,57%, thấp hơn so với bình quân của tỉnh Vĩnh Phúc ( 3,35%)
Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt 99,43%. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp: Dân số thường trú khu vực nội thị thị xã là 77.835 người, tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân trên địa bàn khu vực nội thị thị xã là 64.436 người; số lượng lao động phi nông nghiệp đang làm việc trong ngành nghề thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng là 54.642 người; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 84,8%.
Trở thành thành phố thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Phúc Yên đang đặt mục tiêu phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017 – 2020 đạt từ 7 đến 8,5%; giai đoạn 2021 – 2030 đạt từ 9 đến 10,5%; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp, tạo ra cơ cấu kinh tế bền vững phù hợp hơn với tiềm năng phát triển thành phố. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và những giá trị văn hóa của địa phương./.