Giới thiệu

 
Giới thiệu

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI

1. Điều kiện tự nhiên:

Thành phố Phúc Yên trải dài 24 km theo trục bắc – nam, nằm ở phía đông nam tỉnh Vĩnh Phúc; phía Đông giáp huyện Sóc Sơn và huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội; phía Tây giáp huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; phía Nam giáp huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội; phía Bắc giáp huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; cách trung tâm thủ đô Hà Nội 30 km, cách Sân bay quốc tế Nội Bài 8 km.

Phúc Yên có diện tích tự nhiên 12.013,05 ha, có địa hình tiếp giáp, bản lề giữa miền đồng bằng và miền núi phía Bắc nên khá đa dạng, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, nhiệt độ trung bình năm từ 23,20C đến 250C.

Thành phố có sông Ba Hanh, sông Cà Lồ và hồ Đại Lải diện tích 525 ha đã định hình là khu du lịch; ngoài ra còn có các đầm hồ khác như đầm Láng, đầm Rượu,…có thể phát triển các loại hình du lịch vui chơi giải trí, du lịch thắng cảnh, du lịch sinh thái, kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản.

2. Mạng lưới giao thông:

Thành phố có vị trí thuận lợi về giao thông,  đường bộ, đường sắt và đường hàng không với Sân bay quốc tế Nội Bài, các tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Nguyễn Tất Thành, đường Quốc lộ 2A, Quốc lộ 23, đường sắt Hà Nội - Lào Cai (ga Phúc Yên là một trong những ga hàng hóa chính, đầu mối quan trọng của tuyến đường). Ngoài ra, hệ thống đường giao thông nội thành đã cơ bản được quy hoạch, nâng cấp với chất lượng tốt, đảm bảo phục vụ đời sống dân sinh và thu hút đầu tư vào thành phố. Do vậy, thành phố Phúc Yên có nhiều cơ hội, lợi thế để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, giao lưu kinh tế, văn hoá - xã hội với các vùng miền trong cả nước.

3. Đặc điểm xã hội:

Dân số Phúc Yên  tính đến tháng 12/2017 là 155.435 người, sinh sống trên 8 phường và 2 xã, gồm: các Phường: Đồng Xuân, Hùng Vương, Phúc Thắng, Trưng Nhị, Trưng Trắc, Xuân Hòa, Nam Viêm, Tiền Châu; các xã: Cao Minh, Ngọc Thanh.

Dân số Phúc Yên chủ yếu là dân tộc Kinh, và một ít người dân tộc Sán Dìu. Phúc Yên có nguồn lao động dồi dào, lao động trong độ tuổi chiếm trên 60% tổng dân số; Dân số thường trú khu vực nội thành là 77.835 người, tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân trên địa bàn khu vực nội thành là 64.436 người; số lượng lao động phi nông nghiệp đang làm việc trong ngành nghề thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng là 54.642 người; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 84,8%.

4. Đặc điểm kinh tế:

Thành phố Phúc Yên đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là đô thị vùng Thủ đô, có chức năng là đô thị vệ tinh của thành phố Hà Nội (Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 05/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050), có vai trò liên kết với các đô thị quanh Hà Nội (như Vĩnh Yên, Phúc Yên, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai...) để hình thành hành lang tăng trưởng bao quanh thành phố Hà Nội, hỗ trợ và giảm tải cho Thủ đô trong các lĩnh vực đào tạo, phát triển đô thị, dịch vụ du lịch và thương mại.

Sau hơn một thế kỷ xây dựng và phát triển, đặc biệt là sau 13 năm thành phố Phúc Yên được tái lập theo Nghị định số 153/2003/NĐ-CP ngày 09/12/2003 của Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Phúc Yên luôn đoàn kết, phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, tập trung trí tuệ, khai thác tiềm năng, thế mạnh; tập trung phát triển kinh tế, thu hút các nguồn lực đầu t­ư, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tăng cường đầu t­ư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Kinh tế trên địa bàn tăng trưởng cao, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Trên địa bàn thành phố có nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thu hút nhiều lao động, mang lại nguồn thu lớn như: Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Boshoku... Nhiều khu đô thị mới, khu du lịch - nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại được hình thành như Khu đô thị Đồng Sơn, Khu đô thị Xuân Hòa, Khu đô thị Hùng Vương - Tiền Châu, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Flamingo đạt tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm thương mại Phúc Yên Plaza, trung tâm thương mại Đồng Sơn,... Hệ thống y tế - giáo dục hoàn thiện. Các trường đào tạo, cơ sở dạy nghề được nâng cấp và mở rộng hấp dẫn sinh viên, học sinh các địa phương trong và ngoài tỉnh. Trên địa  bàn thành phố có 01 bệnh viện Trung ương, 01 bệnh viện tuyến tỉnh, 01 bệnh viện ngành Giao thông vận tải. Toàn thành phố có 53 trường, trong đó có 02 trường đại học, 04 trường cao đẳng, 37 trường ở các cấp học đạt chuẩn Quốc gia. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị được chú trọng quan tâm, không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư, chỉnh trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt xã hội của người dân đô thị. Căn cứ vào các quy hoạch của cấp trên, thành phố đã triển khai quy hoạch chi tiết các khu đô thị, các khu dân cư, các khu du lịch, đầu tư xây dựng mới các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn. Ngày 21/01/2013, thành phố Phúc Yên đã được công nhận là đô thị loại III tại Quyết định số 93/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng./.

Ngày đăng: 12/08/2013